Đặc trưng Họ_Trâu_bò

Loài động vật họ Trâu bò to lớn nhất có thể cân nặng trên 1 tấn và cao 2 m (tính từ vai) trong khi loài nhỏ nhất chỉ cân nặng khoảng 3 kg và không cao hơn một con mèo nhà lớn. Một số loài có cơ thể đầy cơ bắp và to béo, những loài khác có cơ thể nhẹ nhõm và chân dài. Loài vật có khối lượng và tầm vóc lớn nhất còn tồn tại trong họ này là bò tót (phân loài Bò tót Đông Dương). Nhiều loài tụ tập lại thành các bầy lớn với cấu trúc và trật tự xã hội phức tạp, nhưng những loài khác lại ưa thích sống cô độc. Trong phạm vi sinh sống rộng lớn của mình chúng chiếm lĩnh một khoảng rộng các kiểu môi trường sống, từ các sa mạc tới lãnh nguyên, từ những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp tới các khu vực núi cao.

Phần lớn các thành viên của họ này là động vật ăn cỏ, ngoại trừ phần lớn các loài kỉ linh (linh dương hoẵng) trong phân họ Cephalophinae là động vật ăn tạp. Tất cả các loài trong họ đều có dạ dày 4 ngăn (túi), cho phép phần lớn trong chúng có thể tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn nghèo dinh dưỡng đối với nhiều loài thú khác, chủ yếu trong đó là các loại cỏ. Không có động vật bậc cao nào có thể trực tiếp tiêu hóa xenluloza, nhưng tương tự như kangaroo, mối và một số loài khác, các loài họ Trâu bò dựa vào các vi sinh vật sinh sống trong dạ dày của chúng để phân hủy xenluloza bằng cách lên men.

Do kích thước và trọng lượng của hệ tiêu hóa phức tạp nên nhiều loài họ Trâu bò có cơ thể to và rắn chắc; các loài thanh mảnh hơn có xu hướng có thức ăn mang tính chọn lọc hơn và chúng thường bứt lá thay vì gặm cỏ. Các răng nanhrăng cửa của hàm trên của chúng không có và được thay thế bằng tấm đệm dạng chất sừng và cứng để các răng của hàm dưới cọ xát vào để cắt đứt lá hay cỏ. Các răng nanh hoặc không có hoặc bị biến đổi để có thể hoạt động như là các răng cửa phụ thêm vào. Các răng hàm là dạng móc (dạng liềm) và cách biệt với các răng phía trước bằng một khoảng hở rộng (kẽ răng).[2] Công thức bộ răng của họ Trâu bò là tương tự như của các động vật nhai lại khác:

0.0.2-3.3
3.1.3.3

Tất cả các loài họ này có 4 ngón chân trên mỗi chân – chúng đi bằng hai ngón (guốc) trung tâm, trong khi 2 ngón ngoài (móng huyền) ít khi chạm vào mặt đất. Tất cả các con đực và nhiều con cái có sừng (ngoại trừ ở một vài giống thuần hóa); kích thước và hình dạng các sừng này không đồng nhất nhưng cấu trúc cơ bản luôn luôn là phần lồi ra đơn bằng chất xương không có nhánh và được che phủ bằng lớp vỏ bao vĩnh cửu chứa keratin.